
Phẫu thuật nội soi chỉnh hình vách ngăn
– chỉnh hình cuốn mũi
Phẫu thuật chỉnh hình vách ngăn – cuốn mũi là gì?
Phẫu thuật nội soi chỉnh hình vách ngăn – cuốn mũi là phương pháp hiện đại giúp phục hồi sự lưu thông khí và dẫn lưu của mũi, giảm thiểu tình trạng nghẹt mũi, khó thở do vẹo vách ngăn – quá phát cuốn mũi.
Khi nào cần phẫu thuật?
Vẹo vách ngăn mũi và quá phát cuốn mũi không phải là bệnh lý nguy hiểm. Các trường hợp dưới đây cần được chỉ định phẫu thuật:
– Vách ngăn vẹo lệch hoặc cuốn mũi quá phát gây cản trở không khí vào mũi
– Vách ngăn kích thích nhức đầu
– Vách ngăn gây kích thích trong hốc mũi, làm tình trạng viêm mũi dị ứng hoặc hen suyễn trầm trọng hơn.


Phẫu thuật chỉnh hình vách ngăn – cuốn mũi được thực hiện thế nào?
Trước khi phẫu thuật
Bác sĩ sẽ trao đổi với người bệnh về rủi ro phẫu thuật, khai thác thông tin bệnh nhân như sau:
– Tiền sử bệnh lý: Bác sĩ sẽ hỏi về tình trạng bệnh của bệnh nhân, các loại thuốc đang sử dụng…
– Khám lâm sàng và cận lâm sàng: bệnh nhân sẽ được chỉ định khám thăm dò chức năng và các xét nghiệm liên quan.
– Kết quả: Dựa vào những chỉ số và hình ảnh của khám và xét nghiệm, bác sỹ sẽ chẩn đoán bệnh, kết luận có nên tiến hành phẫu thuật hay không.
Trong khi phẫu thuật
Phẫu thuật chỉnh hình vách ngăn là phương pháp làm thẳng vách ngăn bằng cách cắt tỉa, tái định vị và thay thế xương sụn.
Phẫu thuật chỉnh hình cuốn mũi là phương pháp làm thu nhỏ cuốn mũi.
Có thể thực hiện một hoặc cả 2 phẫu thuật tùy vào tổn thương của bệnh nhân.
Đối với vách ngăn: Bác sĩ sẽ rạch niêm mạc vách ngăn. Sụn vách ngăn vẹo được lấy bỏ bằng máy cắt hút, khoan. Sau đó niêm mạc được đặt lại.
Đối với cuốn mũi: bác sĩ sử dụng mũi cắt hút để thu nhỏ cuốn mũi mà không cần cắt đốt.
Sử dụng máy cắt hút là phương pháp hiện đại, được bác sỹ tại phòng khám Thường Diệp áp dụng giúp bảo tồn tối đa niêm mạc mũi, hạn chế đụng dập có thể gây biến chứng nặng.
Người bệnh thường được gây tê tại chỗ hoặc gây mê toàn thân. Bạn nên thảo luận với bác sĩ để lựa chọn phương thức tốt nhất cho mình.
Để ngăn chặn tình trạng chảy máu trong và sau phẫu thuật, bác sĩ sẽ đặt gạc cầm máu vào hốc mũi.
Sau khi phẫu thuật
Bệnh nhân sẽ tiếp tục được theo dõi tình hình tại phòng hồi sức. Nhân viên y tế sẽ theo dõi mạch, huyết áp và nhịp thở của bạn. Nếu có bất kỳ sự khó chịu nào trong cơ thể hãy báo ngay cho họ để được hỗ trợ kịp thời.
Trong trường hợp bệnh nhân ổn định, có thể về ngay trong ngày. Bạn có thể sẽ có cảm giác như bị cảm cúm trong vòng 1 – 2 tuần đầu. Điều này không cần phải lo lắng bởi vì niêm mạc mũi phù nề sau phẫu thuật.
Phẫu thuật chỉnh hình vách ngăn – cuốn mũi có gây biến chứng không?
Hiện nay, với kỹ thuật y khoa tiến bộ đã giúp giảm tương đối những rủi ro và biến chứng sau phẫu thuật. Tuy nhiên vẫn có những nguy cơ rủi ro nhất định, tùy vào từng cơ địa bệnh nhân. Cụ thể:
– Chảy máu trong hoặc sau 2 tuần phẫu thuật. Đây là biến chứng nhẹ, gặp với tỷ lệ thấp, không gây nguy hiểm gì tới sức khỏe người bệnh.
– Những biến chứng nặng có thể xảy với tỷ lệ rất thấp như mù, tổn thương mô não, xuất huyết ồ ạt do vỡ động mạch cảnh. Do đó, cần lựa chọn phẫu thuật viên có kinh nghiệm, với trang thiết bị hiện đại.
Chăm sóc sau phẫu thuật chỉnh hình vách ngăn – cuốn mũi
Dưới đây là một số lưu ý quan trọng đối với bệnh nhân vừa trải qua phẫu thuật vách ngăn mũi:
– Uống thuốc đúng theo đơn đã kê khai và liều lượng bác sĩ chỉ định
– Nên tái khám đúng hẹn theo bác sĩ
– Rửa mũi 2 – 3 lần/ngày trong vòng 3 – 6 tuần đầu bằng nước muối nano bạc.
– Giữ đầu cao hơn vai khi ngủ
– Không xì mũi trong những ngày đầu
– Hạn chế các hoạt động thể chất đòi hỏi vận động nhiều như chạy bộ, thể dục nhịp điệu…
– Không uống rượu bia hoặc nạp các chất kích thích; tránh những nơi ô nhiễm, khói bụi.