Phẫu thuật nội soi nạo VA bằng dao Plasma


Nạo VA là gì?

Nạo VA là phẫu thuật nhằm loại bỏ tổ chức VA viêm, quá phát dẫn đến các biến chứng.

Khi nào cần nạo VA?

Phần lớn bệnh nhân cần nạo VA là trẻ em. Nếu như trẻ gặp những biểu hiện:

⚠️Viêm VA mạn tính, tái phát nhiều lần, dùng thuốc không hiệu quả. Trẻ thường có biểu hiện chảy mũi tái phát, thay đổi giọng nói, đau tai, chảy mủ tai…

⚠️ VA quá phát có các biểu hiện ngủ ngáy, ngừng thở khi ngủ, ăn uống kém, bú ngắt quãng, giọng nói như bịt mũi.

⚠️ Viêm VA gây ra các biến chứng như viêm tai giữa, viêm mũi xoang, viêm phế quản, thấp khớp, viêm cầu thận… Gây ảnh hưởng đến sự phát triển răng, sọ mặt như răng vẩu, trán dô, mũi tẹt, ngực lép

Viêm VA
VA quá phát gây biến chứng ngừng thở khi ngủ

Nạo VA có làm mất đi khả năng bảo vệ của cơ thể không?

Những trường hợp được chỉ định nạo VA đúng là những trường hợp VA bít tắc, gây ra các biến chứng ở các cơ quan lân cận, toàn thân hoặc ảnh hưởng đến đường thở. Nếu không nạo, nguy cơ tái phát các biến chứng này xuất hiện nhiều hơn.

Khi nạo, bác sỹ chỉ lấy bỏ phần lớn tổ chức VA ở những vùng dễ gây các biến chứng này. Ngoài VA ra, tại vùng mũi họng còn có các tổ chức lớn khác giúp bảo vệ là amidan khẩu cái và amidan đáy lưỡi. Do đó, nạo VA không sợ làm mất đi khả năng bảo vệ của cơ thể cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm khác.

Có những phương pháp nạo VA nào?

Có nhiều phương pháp nạo VA. Bạn có thể lựa chọn gây mê hoặc gây tê.

🚫 Gây tê: Gây các sang chấn tâm lý cho trẻ dù đã được giảm đau và tiền mê. Dễ bỏ sót VA do không kiểm soát được các vị trí khó. ⛔ Hiện không còn áp dụng ở tuyến trung ương và tuyến tỉnh.

🚲 Thìa nạo: 👍Là phương pháp cổ điển ra đời từ thế kỷ 18. Rẻ tiền, phẫu thuật nhanh. ⛔ Dễ bỏ sót VA. Chảy nhiều máu.

🛵 Dao điện: 👍Ít chảy máu ⛔ Bỏng vùng mổ. Đau nhiều. Dễ chảy máu muộn sau mổ.

🚘 Hummer, Shaver: 👍Phẫu thuật được ở những vị trí khó, tránh bỏ sót. Không gây bỏng. ⛔ Thời gian phẫu thuật lâu, chảy nhiều máu hơn so với dao điện, plasma

🚁 Plasma: là phương pháp hiện đại nhất hiện nay 👍 Nạo được ở những vị trí khó, tránh bỏ sót. Không gây bỏng. Không đau. Ít chảy máu. Phẫu thuật nhanh. Nằm viện ngắn. 

Ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, nạo VA bằng dao Plasma được ứng dụng rộng rãi nhằm hạn chế chảy máu và rút ngắn thời gian phẫu thuật, giảm thiểu các biến chứng…

Nạo VA bằng dao Plasma có ưu điểm gì?

Dao Plasma sử dụng dòng diện tạo ra một đám mây dẫn điện bao quanh thiết bị cắt bằng sóng điện từ có tần số rất cao. Đám mây này bao gồm các hạt ion tích điện, hơi nước truyền năng lượng ở mức thấp để phá hủy tổ chức amidan.

Nội soi nạo VA bằng dao Plasma được các bác sỹ đánh giá có nhiều ưu điểm:

☑️ Thời gian thực hiện nhanh: khoảng 5-10 phút. Hạn chế được lượng thuốc mê phải sử dụng, an toàn cho sức khỏe.

☑️ Có thể thực hiện được ở các vị trí khó, tránh bỏ sót

☑️ Hầu như không gây tổn thương các tổ chức lành xung quanh do dao plasma sinh nhiệt ít.

☑️ Rất ít chảy máu.

☑️ Hầu như không đau sau mổ.

☑️ Hiệu quả kinh tế, tiết kiệm thời gian và công sức.

Nạo VA có đau không?

Tùy thuộc vào phương pháp thực hiện, kinh nghiệm của người thầy thuốc, các phương pháp giảm đau hỗ trợ, thể trạng của người bệnh mà mức độ đau khi nạo VA có khác nhau.

Với các phương pháp cổ điển, sử dụng gây tê tại chỗ, trong quá trình cắt trẻ sẽ đau và hoảng hốt. Hiện nay, bệnh nhân nạo VA được gây mê nên trong quá trình nạo sẽ không cảm thấy đau đớn và khó chịu.

Sau phẫu thuật nạo VA bằng dao Plasma, trẻ hầu như không đau, ăn uống sinh hoạt bình thường sau khi theo dõi hết các nguy cơ của gây mê.

Phẫu thuật nạo VA có nguy hiểm không?

Bất cứ loại phẫu thuật nào cũng đều có nguy cơ. Những nguy cơ phổ biến bao gồm chảy máu, nhiễm trùng, dị ứng hoặc ngộ độc với thuốc sử dụng trong quá trình phẫu thuật. Tuy nhiên, tỷ lệ có thể gặp với nạo VA bằng dao Plasma là rất thấp.

Phẫu thuật nạo VA có lâu không?

Tùy theo phương pháp thực hiện, mức độ quá phát của VA mà phẫu thuật có thể được thực hiện trong thời gian từ 5 tới 10 phút.

nạo VA
TS. Thanh đang phẫu thuật nội soi nạo VA bằng dao Plasma

Cần chuẩn bị gì cho phẫu thuật nạo VA?

Hãy cho bác sỹ biết các loại thuốc mà trẻ đang sử dụng, tình trạng dị ứng mà trẻ mắc phải. Trẻ cần khám nội soi tai mũi họng, xét nghiệm máu…. Nếu đã có kết quả từ lần khám trước, bạn nên mang theo để sử dụng nếu cần.

Trước ngày phẫu thuật, nếu gây mê, trẻ không được ăn hoặc uống bất cứ thứ gì sau nửa đêm. Bạn cần thông báo cho bác sỹ nếu trẻ thấy không khỏe, chảy mũi, hắt hơi…

Sau phẫu thuật nạo VA cần theo dõi và chăm sóc thế nào?

Thông thường sau nạo VA, trẻ sẽ hồi phục sức khỏe trong khoảng 1 – 2 ngày. Chế độ theo dõi, ăn uống, nghỉ ngơi và sinh hoạt cần được theo dõi bởi người thân:

  • Sau khi phẫu thuật xong, trẻ cần đùn nước bọt ra khăn giấy để theo dõi. Nếu nước bọt hoặc dịch mũi lẫn máu tươi, số lượng nhiều cần báo ngay cho bác sỹ. Cố gắng uống nước lọc hoặc ăn thức ăn lỏng khi được phép của bác sỹ.
  • Không được khạc cổ họng hoặc xì mũi quá mạnh.
  • Ăn thức ăn lỏng, cháo, rau củ quả băm nhỏ. Không ăn thức ăn chua, nóng trong 2 tuần sau phẫu thuật.
  • Xịt mũi hoặc nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý hàng ngày để vệ sinh vết mổ.
  • Hạn chế đến nơi đông người trong vòng 2 tuần sau khi phẫu thuật.
  • Không được hoạt động gắng sức dưới trời nắng nóng. Uống nước thường xuyên để cấp nước cho cơ thể sau khi mổ.

Tham khảo thêm:

Hướng dẫn rửa mũi bằng dung dịch muối nano Bạc

Phẫu thuật cắt amidan bằng dao Plasma