Phẫu thuật vá màng nhĩ nội soi


Phẫu thuật vá màng nhĩ là gì?

Phẫu thuật vá nhĩ (hay gọi là vá màng nhĩ) giúp phục hồi lại lỗ thủng màng nhĩ do viêm tai giữa mạn tính, chấn thương rách màng nhĩ. Phẫu thuật này nhằm mục đích ngăn chặn vi khuẩn đi vào tai giữa qua lỗ thủng, đồng thời nâng cao sức nghe cho bệnh nhân. Vá nhĩ có thể thực hiện riêng rẽ, hoặc kết hợp với phẫu thuật xương chũm, phẫu thuật tạo hình xương con trong điều trị các bệnh lý tai giữa.

Khi nào cần phẫu thuật vá màng nhĩ?

Khi màng nhĩ thủng, người bệnh thường có các dấu hiệu chảy mủ tai, nghe kém, ù tai, chóng mặt hoặc đau tai, chảy máu tai sau chấn thương.

Phẫu thuật vá màng nhĩ được chỉ định khi thủng màng nhĩ trong các trường hợp:

  • Viêm tai giữa mạn tính điều trị nội khoa không đỡ.
  • Chấn thương thủng màng nhĩ đã điều trị không tự liền.

Có những phương pháp vá màng nhĩ nào?

Phẫu thuật vá màng nhĩ có thể thực hiện theo đường trong tai, sau tai hoặc trước tai. Các nguyên liệu thường được sử dụng bao gồm cân cơ thái dương, sụn, màng sụn, vật liệu nhân tạo… Phẫu thuật vá màng nhĩ đường trong tai thường thực hiện qua nội soi mang lại nhiều ưu điểm so với phẫu thuật mổ mở.

Đường rạch nhỏ chỉ 1cm trong phẫu thuật nội soi vá nhĩ so với hốc mổ mở

Những ưu và nhược điểm của phẫu thuật vá màng nhĩ qua nội soi?

Phẫu thuật vá màng nhĩ nội soi
TS. BS. Khiếu Hữu Thanh thực hiện phẫu thuật nội soi vá nhĩ điều trị viêm tai giữa

Ưu điểm:

  • Hiệu quả cao: Tỷ lệ màng nhĩ liền kín lên đến 95%, tương đương kết quả mổ mở. Chức năng nghe của tai giữa được phục hồi. Người bệnh dễ dàng lao động, chơi thể thao mà không sợ nước vào tai gây ra các biến chứng của viêm tai giữa.
  • Đường rạch nhỏ, thẩm mỹ: Phẫu thuật nội soi vá nhĩ theo kỹ thuật mới sử dụng đường rạch thẩm mỹ chỉ dài 1cm. Bệnh nhân hầu như không có sẹo sau phẫu thuật. Trong trường hợp sử dụng vật liệu nhân tạo, bệnh nhân không cần rạch da, không cần cắt chỉ.
  • Số ngày nằm viện ngắn. Tùy trường hợp cụ thể, có thể về trong ngày.
  • Thời gian lành thương nhanh.
  • Chăm sóc sau phẫu thuật nhẹ nhàng, hầu như không đau sau phẫu thuật.

Nhược điểm:

  • Kỹ thuật thực hiện bằng một tay nên khó kiểm soát bệnh tích, có thể gây biến chứng.
  • Thời gian kéo dài hơn so với phẫu thuật mổ mở.

      Do đó, phẫu thuật nội soi nên thực hiện bởi các phẫu thuật viên có kinh nghiệm!

Phẫu thuật nội soi vá màng nhĩ có nguy hiểm không?

Bất cứ loại phẫu thuật nào cũng đều có nguy cơ. Những nguy cơ phổ biến bao gồm chảy máu, nhiễm trùng, dị ứng hoặc ngộ độc với thuốc sử dụng trong quá trình phẫu thuật.

Biến chứng của phẫu thuật nội soi vá màng nhĩ có thể bao gồm:

  • Tổn thương dây thần kinh kiểm soát vị giác.
  • Tổn thương các xương của tai giữa, dẫn đến mất thính lực.
  • Tạo thành cholesteatoma là một loại tổ chức gây phá hủy xương.

Phẫu thuật nội soi vá màng nhĩ có lâu không?

Tùy theo mức độ tổn thương màng nhĩ, xương con, loại vật liệu được lựa chọn mà phẫu thuật có thể được thực hiện trong thời gian từ 30 phút tới 2 giờ.

Cần chuẩn bị gì trước phẫu thuật vá màng nhĩ?

Hãy cho bác sỹ biết các loại thuốc mà bạn đang sử dụng, tình trạng dị ứng mà bạn mắc phải. Bạn cần khám nội soi tai mũi họng, đo sức nghe, chụp phim cắt lớp vi tính, xét nghiệm máu…. Nếu đã có kết quả từ lần khám trước, bạn nên mang theo để sử dụng nếu cần.

Trước ngày phẫu thuật, nếu gây mê, bạn không được ăn hoặc uống bất cứ thứ gì sau nửa đêm. Bạn cần thông báo cho bác sỹ nếu thấy không khỏe, chảy mũi, hắt hơi hoặc đến kỳ kinh nguyệt…

Sau phẫu thuật vá màng nhĩ cần theo dõi và chăm sóc thế nào?

Sau phẫu thuật, trong tai bạn sẽ được đặt các vật liệu giúp làm liền vết thương trong 7-10 ngày. Bạn có thể cảm thấy chóng mặt, đau tai hoặc đầy tức tai. Bạn cũng có thể nghe thấy một vài âm thanh lạ phát ra từ trong tai. Những triệu chứng này thường nhẹ và sẽ cải thiện hơn sau vài ngày đến một tháng.

Thay băng bảo vệ ngoài tai 1-2 ngày/lần. Vệ sinh vết mổ phía ngoài bằng dung dịch betadine 10%. Tùy theo tình trạng, bạn có thể được về nhà sau phẫu thuật hoặc sau khi cắt chỉ.

Trong quá trình hồi phục, tránh để nước vào tai. Không được ngoáy tai. Hạn chế đến những nơi đông người hoặc có nhiều người ốm. Nếu bị chảy mũi, viêm mũi xoang sau phẫu thuật, sẽ làm tăng nguy cơ thất bại. Thông báo ngay cho bác sỹ nếu gặp những tình trạng trên.

Tham khảo thêm

Báo Thái Bình: Giải pháp mới trong điều trị viêm tai giữa mạn tính